VIÊM DA

Bệnh viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu thường gặp trong đời sống. Tham khảo nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng tránh bệnh trong bài viết sau.

Bệnh viêm da cơ địa – Biểu hiện, nguyên nhân và cách phòng tránh

Viêm da cơ địa là một bệnh lý phổ biến về da liễu, thường gặp nhất ở đối tượng trẻ em. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị chuyên sâu nào đối với dạng bệnh lý này. Để phòng tránh bệnh viêm da cơ địa, hãy cùng tìm hiểu các thông tin chi tiết về căn bệnh này trong bài viết sau đây của chúng tôi.

viem da 1

Ảnh 1: Viêm da cơ địa là dạng bệnh dễ gặp nhất ở trẻ em. (Nguồn: Internet)

Bạn biết gì về bệnh viêm da cơ địa?

Bệnh viêm da cơ địa được biết đến với nhiều tên gọi như bệnh chàm thể tạng, Atopic dermatitis,… Đây là một dạng bệnh lý về da có chu kì phát triển diễn ra theo đợt. Bệnh thường xuất hiện lần đầu ở trẻ nhỏ dưới dạng các vết chàm tổn thương và gây ngứa ngáy trên da.

Bệnh viêm da cơ địa dễ hình thành hơn ở những đối tượng có tiền sử gia đình mắc các bệnh liên quan đến dị ứng. Bệnh có tính dễ tái phát bởi cách phản ứng nói chung của bệnh nhân khi mắc phải: vết chàm gây ngứa – gãi – gây mẩn đỏ – tái phát bệnh.

Bệnh viêm da cơ địa có lây nhiễm không?

Rất nhiều bệnh nhân và gia đình băn khoăn liệu bệnh viêm da cơ địa có lây nhiễm không. Không giống những bệnh lý về da khác, bệnh không có tính lây lan giữa người với người. Đồng nghĩa với việc tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch từ vết thương trong quá trình chăm sóc người bệnh không làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, bệnh lý này có tính chất di truyền. Trong gia đình có cả bố lẫn mẹ đều mắc bệnh viêm da cơ địa, có thể khẳng định gần như chắc chắn con sinh ra sẽ mắc phải bệnh này.  Ngoài ra, khả năng mắc bệnh còn thể hiện qua tỷ lệ các thành viên trong gia đình bị bệnh. Nếu nguy cơ mắc bệnh là cao thì bố mẹ nên đưa trẻ tới khám tại trung tâm da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời.

viem da 2

Ảnh 2: Khác với các bệnh da liễu thông thường, bệnh viêm da cơ địa không có tính lây nhiễm. (Nguồn: Internet)

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa?

Viêm da cơ địa là bệnh lý có thể gặp phải ở mọi đối tượng nếu không có biện pháp chủ động phòng tránh. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất gồm:

  • Tiền sử có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh viêm da cơ địa (viêm da cơ địa di truyền).
  • Dị ứng với các loại thuốc, hóa chất, hoặc phấn hoa, côn trùng,…
  • Mắc các bệnh lý liên quan đến cơ địa dị ứng như vảy nến, viêm da dị ứng,…
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn.
  • Bị căng thẳng tâm lý và stress dài ngày.
  • Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết giao mùa, đặc biệt vào mùa đông khô lạnh cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi thời tiết ấm áp.

Dấu hiệu nhận biết một người đang mắc bệnh viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa biểu hiện bởi các triệu chứng điển hình là các vết thương da khô và ngứa. Cụ thể:

  • Da bị mẩn đỏ và rất ngứa: Xuất hiện các nốt ban mẩn đỏ trên bề mặt da. Vùng da dễ xuất hiện nhất thường là da chân và da tay. Có thể hình thành các mụn nước trắng nhỏ. Khi sờ vào có cảm giác sần sùi, thô ráp.
  • Hiện tượng phù nề da: Người bệnh thường cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại những vùng da bị bệnh. Đặc biệt nhất là khi da bị tiết mồ hôi. Thường các vùng da này có xu hướng trở nên dày và cộm hơn trước.
  • Vùng da bệnh bị đóng vảy và xuất hiện chàm: Khi da hình thành các nốt mẩn, trong thời gian dài người bệnh ngứa ngáy có thể gãi làm cho các mụn nước vỡ. Chất dịch chảy ra khi đó sẽ khô lại rồi kết thành vảy. Lâu dài hình thành nên các vết nứt hoặc bong ra thành vảy phấn.
  • Một số triệu chứng khác: Khi mắc bệnh có thể gặp phải những biểu hiện như dễ mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, bị viêm da khi gãi.

viem da 3

Ảnh 3: Da khô và ngứa là những biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm da cơ địa. (Nguồn: Internet)

Những căn bệnh viêm da khác thường gặp ở người

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là bệnh lý ngoài da khá phổ biến. Khoảng 1,5 – 5,4% dân số thế giới đã hoặc đang mắc phải căn bệnh da liễu này. Bệnh viêm da tiếp xúc thường gây ra các vết mụn nước ngứa, đỏ, khi gãi nhiều có thể dẫn tới loét khiến cho da bị hoại tử. Viêm da tiếp xúc là bệnh lý phát triển nhanh, dễ tái phát nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Viêm da tiếp xúc côn trùng

Bệnh lý này chủ yếu gây ra bởi 2 loại côn trùng là bướm đen và kiến khoang. Khi phần da người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lông của ấu trùng sẽ gây ra các vết mẩn đỏ ngứa ngáy. Lâu ngày dần sẽ phù nề và nổi mủ ở phần da bị bệnh.

Viêm da quanh miệng

Viêm da quanh miệng là dạng bệnh lý gây ra mụn mủ, mụn ngứa nhỏ li ti mọc ở xung quanh miệng. Bệnh có tiến triển chậm nhưng gây khó chịu rất lớn cho người bệnh. Bệnh viêm da quanh miệng xuất hiện có thể là do tiếp xúc trực tiếp với corticoid trong thời gian dài.

Viêm da thần kinh

Đây là một trong những dạng bệnh lý về da liễu phổ biến nhất. Bệnh tiến triển chậm nhưng có tính tái phát dai dẳng. Phần da thương tổn thường là ở cổ và tay chân. Vết thương đặc biệt ngứa dữ dội về đêm.

viem da 4

Ảnh 4: Một số dạng bệnh viêm da thường gặp ở người. (Nguồn: Internet)

Điều trị bệnh viêm da cơ địa như thế nào?

Bệnh viêm da cơ địa có sự tiến triển và xuất hiện biến chứng qua từng giai đoạn. Khi nhận thấy bản thân hoặc người thân xung quanh mình đang có những biểu hiện của bệnh viêm da. Nên kịp thời đến gặp bác sĩ da liễu để được khám và tư vấn điều trị phù hợp.

Biện pháp làm giảm viêm ngứa

Điều trị viêm da cơ địa không thể trị dứt điểm mà chỉ thông qua một số biện pháp làm giảm viêm, giảm ngứa và phòng ngừa bệnh tái phát. Theo đó, các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định để điều trị bệnh viêm da cơ địa như sau:

  • Kem chống ngứa: thoa trực tiếp lên vùng da bị thương tổn hoặc có triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vết thương ngứa dữ dội thì có thể phải dùng đến thuốc kháng histamin đường uống. Một số loại thuốc điều trị mang lại tác dụng phụ khiến bệnh nhân buồn ngủ sẽ được bác sĩ kê đơn dùng riêng vào buổi tối.
  • Kem dưỡng ẩm: nên dùng trực tiếp cùng kem chống ngứa để làm giảm bớt các cơn ngứa dai dẳng. Ngoài ra bệnh nhân cũng nên dưỡng ẩm cho da thường xuyên để tránh tình trạng da bị khô trong thời tiết lạnh, dễ khiến cho da nứt nẻ.
  • Kem kháng viêm: giảm bớt tình trạng viêm sưng dị ứng khiến cho da bớt phù nề, sưng ngứa. Nên hạn chế dùng khi sử dụng kem kháng viêm đã có hiệu quả. Có thể lựa chọn những biện pháp khác như làm mềm da bằng kem dưỡng ẩm,… cũng có thể làm dịu những triệu chứng viêm da cơ địa ở mức độ nhất định.
  • Kháng sinh: dùng cho trường hợp bệnh nhân bị bệnh viêm da cơ địa đã tiến triển tới giai đoạn nhiễm trùng. Lúc này cần dùng bổ sung thêm kháng sinh với liều lượng vừa phải để điều trị nhiễm trùng. Bên cạnh đó nếu như vết thương lở loét và chảy dịch thì bệnh nhân cần được vệ sinh và thay băng gạc hàng ngày để tránh nhiễm trùng trở nên nặng hơn.
  • Can thiệp liệu pháp ánh sáng: liệu pháp quang trị liệu được áp dụng trong những tình trạng viêm da cơ địa không có phản ứng với thuốc. Quang trị liệu sử dụng tia UVA, UVB, PUVA chiếu trực tiếp lên những vùng da bị viêm. Tác động trị liệu từ biện pháp này có thể giúp làm dịu cơn ngứa, ức chế miễn dịch để cải thiện các vết thương trên da. Tuy nhiên, can thiệp liệu pháp ánh sáng đi kèm với một số rủi ro nguy hiểm như khiến cho da bị cháy, làm tăng tốc độ lão hóa da,…
  • Băng ướt: để điều trị bệnh viêm da cơ địa, có thể bôi corticoid lên vùng da bị bệnh sau đó quấn xung quanh bằng băng ướt. Nên áp dụng phương pháp này cho những đối tượng bị tổn thương da trên diện rộng và lựa chọn thực hiện trong các bệnh viện uy tín.

viem da 5

Ảnh 5: Viêm da cơ địa có thể can thiệp bằng cách dùng thuốc làm giảm ngứa. (Nguồn: Internet)

Hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát

Ngoài ra, để điều trị bệnh viêm da cơ địa một cách toàn diện, làm chậm quá trình phát triển bệnh thì nên áp dụng một số biện pháp nhằm hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát. Cụ thể:

  • Tránh dùng những thức ăn dễ gây dị ứng cho bệnh nhân.
  • Thường xuyên vệ sinh, lau dọn nhà cửa, chăn gối, hạn chế để bụi bẩn bám lên vết thương trên da.
  • Tắm rửa trong thời gian ngắn không quá 20 phút, nên sử dụng nước ấm khi tắm.
  • Nên sử dụng những dòng xà phòng tắm có tính tẩy rửa dịu nhẹ để tránh làm kích ứng vết thương. Có thể sử dụng nước hoa nhưng cũng chỉ nên dùng những loại nhẹ nhàng.
  • Hạn chế không gãi lên vết thương. Nên cắt móng tay và đeo găng tay khi ngủ.
  • Khi thời tiết nóng nên mặc những dạng quần áo thoáng mát, tránh để da bị bí mồ hôi. Trong thời tiết lạnh và khô, nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để làm mềm da.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.

Cách phòng chống bệnh viêm da cơ địa

viem da 6

Ảnh 6: Phòng chống bệnh viêm da cơ địa như thế nào? (Nguồn: Internet)

Viêm da cơ địa là dạng bệnh da liễu tuy không lây lan nhưng lại có tính tái phát thường xuyên. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày của người bệnh. Một số biện pháp giúp giảm thiểu khả năng bệnh tái phát bao gồm:

  • Tuân thủ liệu trình điều trị và sự tư vấn từ các bác sĩ da liễu.
  • Chăm sóc và giữ gìn làn da, không tiếp xúc với các dòng sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh.
  • Hạn chế cào xước lên vết thương; nên cắt móng tay cho trẻ em.
  • Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm để làm mềm da và hạn chế các vết khô nứt.
  • Mang áo quần làm từ những loại vật liệu mềm và khô thoáng.
  • Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
  • Không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc gây dị ứng.
  • Hạn chế dùng các loại mỹ phẩm hàng hóa mới trong thời gian đang bị bệnh da liễu.

Trên đây là những thông tin tổng quan về căn bệnh viêm da cơ địa, biểu hiện, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh bệnh. Hy vọng bài viết này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích dành cho quý độc giả bạn đọc.

Các bài viết liên quan :

Viêm đường hô hấp 

Viêm gan B 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *